Từ nhiều năm trở lại đây, thác nước Khe Vằn được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở huyện vùng cao Bình Liêu (Quảng Ninh).
Nằm cách Bình Liêu (H.Bình Liêu) khoảng 15 km, thuộc xã Húc Động, đường vào thác Khe Vằn hiện nay thuận tiện với đường nhựa phẳng lì đưa du khách đến tận nơi.
Trên hành trình đến thác Khe Vằn, du khách được tận hưởng không gian tươi đẹp, khi đi trên con đường uốn lượn như dải lụa mềm, bên cạnh những ruộng bậc thang đang mùa lúa chín, xa xa những ngôi nhà của đồng bào Tày yên bình, với những lũ trẻ nô đùa chạy nhảy.
Thác nước đổ ào ạt như dải lụa trắng, còn xung quanh là những cánh rừng xanh, núi đá còn nguyên vẹn. Dòng thác đổ trắng xóaThác nước trắng xóa như sợi chỉ tô vẽ thêm cho bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp của huyện vùng cao Bình Liêu.
Trong khung cảnh ấy, du khách sẽ cảm nhận rõ nét sắc màu dân tộc và được hòa mình vào không gian núi rừng hoang sơ miền biên ải.
Khe Vằn có 3 tầng thác, mỗi tầng mang một hình thế, dáng vẻ khác nhau. Tầng thứ nhất là dòng nước lớn, trắng xóa chảy từ các vách núi cao xuống tạo thành một hồ nước rộng. Tầng thứ hai khi nước chảy từ trên cao đổ xuống, gặp đá tạo thành nhiều tầng tung ra những bọt nước trắng xóa. Tầng cuối cùng dưới dân là nơi vào những ngày nắng nóng có nhiều du khách nhảy xuống tắm dưới làn nước mát lạnh.
Không kể đêm ngày, thác nước Khe Vằn chảy mãi như bản tình ca của thiên nhiên dành tặng cho nơi này. Thác Khe Vằn quanh năm nước đổ tạo nên khung cảnh hữu tình và là nơi dành cho du khách ưa khám phá.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, thác Khe Vằn từng là nơi trai gái người Sán Chỉ hẹn hò, hát đối Soóng Cọ. Các cuộc hát này thường được tổ chức vào trung tuần tháng 3 âm lịch hàng năm.
Về sau, người dân còn tổ chức thành lễ hội, lấy tên là Hội hát tháng ba. Vào mỗi dịp đến hội không chỉ người Sán Chỉ ở Húc Động, mà còn thu hút đông đảo cả nam, nữ dân tộc Sán Chỉ của xã Đại Dực (Tiên Yên) và các vùng lân cận tìm đến giao lưu, tìm duyên. Tại thác Khe Vằn, ngày ấy không ít đôi nam nữ đã nên duyên vợ chồng.