Trung Túc Vương Lê Lai là một trong những tướng lĩnh nổi tiếng trong khởi nghĩa Lam Sơn, người có công lớn giúp Lê Lợi gây dựng sự nghiệp. Đặc biệt, Ông đã hy sinh thân mình cứu Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của giặc Minh và được hậu thế ngợi ca là tượng đài về lòng trung quân ái quốc, đồng thời được vua Lê Thánh Tông gia phong là Trung Túc Vương.
Đền thờ Lê Lai thuộc làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, cách Khu di tích Lam Kinh khoảng 6km về phía Tây. Xưa kia vùng đất này có tên gọi là thôn Dựng Tú, sách Đức Giang, phủ Thanh Hóa. Theo sách Đại Việt thông sử, năm 1416 Lê Lai và Lê Lợi cùng 17 người tổ chức hội thề Lũng Nhai; tại hội thề, Lê Lai được trao chức Tổng quản Phủ đô tổng quân, tước quan Nội hầu.
Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai nằm trên sườn đồi, phía trước là hồ bán nguyệt thơm ngát hương sen, với vị trí đẹp mà theo thuyết phong thủy là đất tụ linh, tụ phúc, hổ chầu, long tụ. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng ngôi đền vẫn giữ được nét đẹp riêng hiếm có và đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Tiền đường đền thờ Trung túc vương Lê Lai.
Theo sử liệu, năm 1450 niên hiệu Thái Hoà triều vua Lê Nhân Tông đã tiếp tục chỉ dụ cho tu sửa, tôn tạo ngôi đền làm nơi thờ tự, hương khói vị tướng tài ba đã quên mình cứu chủ tướng.
Trong các năm 1939, 1944 triều vua Bảo Đại, ngôi đền tiếp tục được trùng tu hậu cung lần cuối và có hình dáng như ngày hôm nay.
Ngôi đền được thiết kế, xây dựng theo lối chồng rường giá chiêng (một loại kiến trúc nhà truyền thống ở miền Bắc trước đây), mái cong như thường thấy ở các ngôi đình, chùa.
Bên trong đền Tép được bài trí ban thờ sơn son thiếp vàng.
Tại khu nhà hậu cung, có nhiều hiện vật cổ giá trị như hoành phi, câu đối được khắc trên các tấm gỗ nguyên khối, nội dung ca ngợi công đức và tấm gương anh dũng của vị khai quốc công thần nhà Hậu Lê.
Bên phải đền thờ Lê Lai là ngôi đền thờ mẫu - tức thờ Đức thánh chúa bà Nương A Thiện - vợ Lê Lai.
Trên nóc nhà thờ mẫu có tượng lưỡng long chầu nguyệt vẻ uy nghi, cổ kính.
Phía trước đền thờ Trung túc vương Lê Lai có một hồ bán nguyệt lớn, quanh năm cây cối xanh tốt.
Quanh khuôn viên đền thờ Lê Lai có rất nhiều cổ thụ như cây sấu, đa, lim, lát... thân lớn hàng chục người ôm mới xuể.
Ngay cổng chính dẫn vào ngôi đền cổ còn có hai cây đại lớn, được cho là có tuổi đời hàng trăm năm, thân hình sần sùi. Hai cây đại này đã được xếp hạng cây di sản Việt Nam.
Hàng năm, cứ đến ngày 21- 22 tháng 8 âm lịch, lớp lớp cháu con lại tụ hội về Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai và Khu di tích Lam Kinh để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công giành lại độc lập, yên bình cho đất nước. Năm nay, Lễ dâng hương tại Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai sẽ được diễn ra vào ngày 16/9/2022, tức ngày 21 tháng Tám, năm Nhâm Dần. Hiện nay mọi công tác chuẩn bị cho Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai gắn với Lễ hội Lam Kinh năm 2022, kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, đang được huyện Ngọc Lặc khẩn trương hoàn thành. Nhằm tôn vinh sự hy sinh cao cả của Trung Túc Vương Lê Lai, các Vua Lê, Tướng sĩ và nhân dân đã có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Đồng thời khơi dậy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc quê hương Ngọc Lặc. Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho nhân dân huyện nhà, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh. Vì vậy trong công tác chuẩn bị phải đảm bảo tính trang trọng, hiệu quả, thiết thực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh, đảm bảo trật tự an ninh, vệ sinh môi trường, giữ gìn bảo vệ tài sản các hạng mục di tích lịch sử, văn hóa.
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai gắn với Lễ hội Lam Kinh năm 2022, kỷ niệm 10 năm di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận di tích quốc gia đặc biệt sẽ được huyện Ngọc Lặc tổ chức trang trọng , hiệu quả, thiết thực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh trong Lễ hội, đảm bảo trật tự an ninh, vệ sinh môi trường, giữ gìn, bảo vệ và phát huy di tích lịch sử, văn hóa.