Nhắc đến Đồ Sơn là nhắc đến khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng tuyệt đẹp. Với khí hậu mát mẻ, với những bãi cát trắng chạy dài, một bên là núi non hùng vĩ, hàng thông, phi lao rì rào, một bên là biển cả mênh mông, rộng lớn, nước trong xanh mát lạnh. Không chỉ là một vùng biển đẹp với không khí trong lành, quận Đồ Sơn còn có nhiều di tích lịch sử, tôn giáo để hình thành tour du lịch tâm linh độc đáo.
Tháp Tường Long hay còn gọi là chùa Tháp hoặc tháp Đồ Sơn, toạ lạc trên đỉnh Long Sơn cao 95,2 m so với mặt nước biển, là ngọn núi cao nhất trong dãy Cửu Long ở bán đảo Đồ Sơn.
Tháp được xây dựng vào năm 1058, đời vua Lý Thánh Tông. Tương truyền, đây là nơi "tụ sơn tích thuỷ" nên thu giữ được khí thiêng của trời đất. Tháp Tường Long là một trong hai công trình Phật giáo kỳ vĩ nhất vào thời vương triều Lý (1010-1225) khi đạo Phật phát triển mạnh và được tôn làm Quốc giáo.
Trải qua hàng nghìn năm, toà tháp cổ chỉ còn lại nền móng hình vuông. Toà tháp hiện tại là phiên bản phỏng dựng có quy mô 9 tầng, hình vuông, cao 37,14 m, khánh thành năm 2017 chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập quận Đồ Sơn.
Đền Bà Đế không chỉ sở hữu cảnh quan sơn thủy hữu tình mà còn là câu chuyện về cuộc đời bi thương của bà Đào Thị Hương (tức Bà Đế) - vợ chúa Trịnh Giang, đền Bà từng được vua Tự Đức về thăm và ban sắc phong “Đông Nhạc Đế Bà - Trịnh chúa phu nhân”.
Đền Bà Đế có cấu trúc đơn giản nhưng trang nhã, được xây dựng tựa vào chân núi Độc, hướng ra biển bao la tạo nên một công trình độc đáo. Vãn cảnh Đền Bà Đế - chốn linh thiêng: để cầu bình an, tài lộc cho người thân và gia đình, cũng là nơi thanh tịnh để tâm hồn được thư thái, bình an, xua tan những mệt mỏi, bộn bề trong cuộc sống.
Chùa Hang có tên chữ là Cốc tự, xưa thuộc địa bàn Vạn Tác, xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương; nay thuộc phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn. Như tên gọi của chùa, người xưa lấy một hang đá núi, cao 3,5m rộng 7m chia làm 2 bậc thềm, bậc thềm ngoài rộng khoảng 23m2, bậc thềm trong cao hơn độ 0,50m lòng hang hình thang, xuyên thẳng sâu vào núi, dài chừng 25 m, phía trong cùng cao 1,2m rộng 1,3 m.
Chùa có thế lưng ẩn sâu trong núi và mặt hướng ra biển Đồ Sơn. Bên ngoài có tượng Phật Quan Âm, phía phải là nhà thờ tổ, tiếp theo là tòa tháp. Trên núi có tượng rồng phượng, chân núi là tượng rùa thần và cá chép.
Đền Long Sơn tọa lạc dưới chân núi Rồng là nơi thờ cô Chín Sòng nên còn có tên là đền Cô Chín Suối Rồng. Đền nằm gần dòng suối Rồng bắt nguồn từ một khe suối nhỏ từ núi Rồng, nước chảy trong vắt quanh năm.
Đây là ngôi đền linh thu hút đông đảo du khách thập phương đến bái lễ vào các ngày đầu tháng, hôm rằm. Đền cũng thường xuyên diễn ra những canh hầu, di sản văn hóa được UNESCO vinh danh.
Gần đền Long Sơn còn có rừng thị cổ với 17 cây thị cổ thụ vừa được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam.
Đền Nghè là công trình văn hóa cổ, nằm trên đường suối Rồng thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn là di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.
Đền Nghè là nơi thờ nữ tướng Lê Chân, được xây dựng ở lưng chừng núi, thuộc "hàng tổng" của Đồ Sơn. Đền Nghè còn gắn liền với lễ hội chọi trâu truyền thống khi trước và sau lễ hội, đây là nơi nhân dân và các giáp, các phường tập trung về để tế lễ.
Đền Vạn Ngang Đồ Sơn xưa có tên là Thủy Tiên Am được xây dựng năm Thái Ninh thứ 3 triều Lý thờ Chư Vị Thánh Tiên. Đây là nơi các bậc văn nho chức sắc tổ chức bình thơ xướng họa.
Tên đền Hoành Sơn Linh Từ được đặt vào năm Vĩnh Tộ thứ tư. Xong ngồi đền cổ này bị Pháp phá hủy vào năm 1886 để mở đường xây dựng nhà nghỉ thống sứ bắc kì. Sau đó nhân dân và nhà thầu xây dựng lại ngôi đền nhỏ để phụng sự xong ngồi đền nhỏ đó cũng bị phá hủy vào năm 1974.
Đến năm 1991, Thủ Nhang Lưu Đức Thắng – Một người cả đời chăm chút cho ngôi đền đã cùng các con nhang, đệ tử thập phương xây dựng lại. Đền Vạn Ngang Đồ Sơn ngày nay rất khang trang, tố hảo nằm cheo leo bên một vách đá nhìn ra biền Đồ Sơn đầy gió tại nên một cảnh sắc Sơn Thủy Hữu Tình.
Dinh thự Bảo Đại có diện tích 1.000 m2 nằm trong khuôn viên rộng hơn 3.700 m2 trên đỉnh đồi Vung, thuộc khu 2 Đồ Sơn, phường Vạn Hương, là “cung điện” để vua nghỉ ngơi duy nhất của triều đại phong kiến nhà Nguyễn ở miền Bắc.
Dinh thự Bảo Đại được Toàn quyền Đông Dương xây dựng năm 1928 ở vị trí đắc địa tại Đồ Sơn để làm nơi nghỉ dưỡng, sau đó tặng lại cho vua Bảo Đại.
Công trình được xây theo hình bát giác, kiến trúc Pháp đặc trưng với hai tầng và một hầm. Móng được kè đá ong. Phía trước và sau dinh thự đều có vườn cây.
Dinh thự này được vua Bảo Đại sử dụng từ năm 1933 đến năm 1954. Năm 1955, Hải Phòng giải phóng, dinh thự Bảo Đại do Bộ Quốc phòng quản lý. Năm 1984, Bộ Quốc phòng bàn giao cho Công ty Cổ phần Du lịch Đồ Sơn.
Bến Tàu không số hay còn gọi là Bến K15. Tên gọi Bến K15, nằm dưới chân đồi Vạn Hoa, phường Vạn Hương, là dấu mốc lịch sử đánh dấu điểm xuất phát của những con tàu không số huyền thoại.
Trong suốt thời gian kháng chiến, từ bến tàu không số K15 đã có hàng trăm lượt tàu xuất phát, vận chuyển thành công hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị hỗ trợ và hàng chục nghìn cán bộ chiến sĩ từ Bắc vào Nam để viện trợ chiến trường.